Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Hạn chế trướng hơi, đầy bụng

Gần đây, sau mỗi bữa ăn, nhất là ăn no, tôi có cảm giác bụng bị căng tức, đầy hơi rất khó chịu. Vậy làm như thế nào để hạn chế hiện tượng này, thưa bác sĩ?

Vũ Thanh Thương (Thái Nguyên)

Trướng hơi, đầy bụng là hiện tượng rất nhiều người hay gặp. Ngoài việc loại trừ do các bệnh lý gây ra thì hầu hết do thói quen sinh hoạt, do chế độ dinh dưỡng hằng ngày khiến hiện tượng này hay xảy ra.

Để hạn chế, bạn nên: uống từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày giúp tống các độc tố gây tiêu hóa kém ra khỏi cơ thể. Ăn nhiều trái cây và rau xanh để cung cấp một lượng chất xơ lớn cho cơ thể, có xu hướng thải nhanh qua đường tiêu hóa, loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể.

Nên bổ sung các loại rau cải, xà lách, rau dền, khoai tây, khoai lang, ngũ cốc. Ưu tiên tỏi và một số loại hoa quả như cam, bưởi, táo, dứa, lê sau những bữa ăn nhiều đạm. Ăn chậm, nhai kỹ, ăn những miếng nhỏ để tránh nuốt không khí cùng thức ăn vào dạ dày (gây co rút dạ dày và các dạng khó tiêu khác). Hạn chế ăn thức ăn chua, cay, kẹo, bánh ngọt…

Đối với những người bị ợ nóng hoặc trào ngược axit, để tránh các áp lực cho dạ dày, nên chia bữa ăn thành 4-5 bữa nhỏ mỗi ngày.

Hạn chế nói chuyện khi ăn. Bỏ thói quen nhai kẹo cao su làm cho bụng bị tích nhiều khí làm nặng thêm chứng đầy hơi.

Uống rượu và hút thuốc nhiều có thể gây buồn nôn và làm tăng nồng độ axít trong bụng có thể dẫn đến trào ngược axít và ợ nóng. Vì vậy, cần tránh xa thuốc lá và đồ uống có cồn.

Ngoài bữa ăn có thể dùng tay xoa bóp bụng (mát-xa) để làm tăng nhu động của dạ dày, ruột giúp cho việc tiêu hóa thức ăn tốt hơn, tránh ứ đọng thức ăn nhiều ngày.

Cần có chế độ tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, chơi cầu lông, tập hít thở để cơ hoành vận động làm tăng nhu động của dạ dày và ruột.

Khi bị đầy hơi, trướng bụng kéo dài và thường xuyên tái phát, cần thiết phải đi khám bệnh để có hướng điều trị cụ thể, không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

ThS. Hà Hùng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét